TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN KHUYẾN - TP. HCM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN KHUYẾN - TP. HCM


 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  
Latest topics
» Vật lý 10 - ÔN TẬP HỌC KỲ I
Tam Nguyên Yên Đổ EmptyTue Dec 10, 2019 12:46 am by phannguyenquoctu

» Những hình ảnh và kỷ niệm về Trường Nguyễn Khuyến Xưa
Tam Nguyên Yên Đổ EmptySat May 16, 2015 10:18 pm by phannguyenquoctu

» Vat ly 10 - Mang Tinh the
Tam Nguyên Yên Đổ EmptyTue Mar 03, 2015 8:17 pm by phannguyenquoctu

» Vật lý 10 - Cấu tạo chất
Tam Nguyên Yên Đổ EmptyThu Feb 26, 2015 9:30 am by phannguyenquoctu

» Chào mừng Năm mới 2015
Tam Nguyên Yên Đổ EmptySat Feb 14, 2015 1:06 pm by phannguyenquoctu

» Những hình ảnh và kỷ niệm về Trường Nguyễn Khuyến Nay
Tam Nguyên Yên Đổ EmptySat Jan 31, 2015 5:11 pm by phannguyenquoctu

» Vật lý 10 - Ngoại khóa - Động lượng và bida
Tam Nguyên Yên Đổ EmptyFri Oct 17, 2014 12:40 pm by phannguyenquoctu

» Vật lý 10 - Vòng xiếc (Tàu lượn)
Tam Nguyên Yên Đổ EmptyFri Oct 17, 2014 12:21 pm by phannguyenquoctu

» Vật lý 10 - Định luật III Newton
Tam Nguyên Yên Đổ EmptySat Oct 11, 2014 9:22 pm by phannguyenquoctu

» Tuyển chọn những bài hát hay nhất về quê hương, miền tây Nam Bộ 2014 (Part 1)
Tam Nguyên Yên Đổ EmptyFri Sep 26, 2014 11:32 am by mycomputer

» Khai giảng Năm học 2014 - 2015
Tam Nguyên Yên Đổ EmptySun Sep 07, 2014 11:50 pm by phannguyenquoctu

» 12CB 2012-2013
Tam Nguyên Yên Đổ EmptySun Sep 07, 2014 12:10 pm by phannguyenquoctu

» Vật lý học, và Học Vật lý
Tam Nguyên Yên Đổ EmptyWed Aug 27, 2014 9:32 am by phannguyenquoctu

» Cuộc thi học bổng toàn phần THPT Mỹ
Tam Nguyên Yên Đổ EmptyTue Aug 26, 2014 9:14 am by aectvn

» Hệ thống chiếu sáng từ chai nước
Tam Nguyên Yên Đổ EmptyWed Aug 13, 2014 11:05 pm by phannguyenquoctu

Thống Kê
Hiện có 2 người đang truy cập Diễn Đàn, gồm: 0 Thành viên, 0 Thành viên ẩn danh và 2 Khách viếng thăm

Không

Số người truy cập cùng lúc nhiều nhất là 36 người, vào ngày Sat Apr 01, 2023 3:01 am
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu
Top posters
phannguyenquoctu
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
Admin
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
Le_Viet
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
Thọ Nguyễn Đắc-A1-2009
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
mycomputer
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
VanVu-A1-09
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
QuanTrung-A1-0609
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
hongnhung
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
nguyenthoduong
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
MinhHoang-A1-09
Tam Nguyên Yên Đổ Vote_lcapTam Nguyên Yên Đổ Voting_barTam Nguyên Yên Đổ Vote_rcap 
Statistics
Diễn Đàn hiện có 165 thành viên
Chúng ta cùng chào mừng thành viên mới đăng ký: inest_mt

Tổng số bài viết đã gửi vào diễn đàn là 1777 in 612 subjects

 

 Tam Nguyên Yên Đổ

Go down 
2 posters
Tác giảThông điệp
phannguyenquoctu
Admin
phannguyenquoctu


Tổng số bài gửi : 815
Join date : 19/10/2011

Tam Nguyên Yên Đổ Empty
Bài gửiTiêu đề: Tam Nguyên Yên Đổ   Tam Nguyên Yên Đổ EmptyMon Mar 12, 2012 7:19 pm

Những chuyện lạ ở vườn nhà Nguyễn Khuyến

16/01/2011

TP - Một ngày đầu xuân về thăm ngôi nhà của Nguyễn Khuyến mà nay đã trở thành di tích lịch sử văn hoá Quốc gia ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm tháng trôi qua, nơi ra đời ba bài thơ Thu bất hủ không chỉ giữ được vẻ đẹp hương đồng cỏ nội mà còn nhiều chuyện lạ...

Tam Nguyên Yên Đổ ImageHandler
Nhà Nguyễn Khuyến.

“Giải mã” vườn Bùi
Khu vườn trở nên xanh mướt khi bén hơi xuân. Ông Nguyễn Thanh Tùng hậu duệ đời thứ 5 của nhà thơ Nguyễn Khuyến, dẫn tôi thăm vườn. “Vườn Bùi chốn cũ; Bốn mươi năm lại lụ khụ về đây”, Nguyễn Khuyến đã viết như vậy vào năm 1884 khi vừa tròn 50 tuổi, cáo bệnh, trả chức quan tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang), về với mảnh đất cha ông sống cuộc đời thanh bạch, vui thú điền viên.

Vì sao lại gọi là vườn Bùi? Ít ai để ý giữa những cây lưu niên nhãn na, vú sữa, ngâu, bưởi cùng cúc, đào, hồng, lan, có một cây vối già khẳng khiu nép ở góc vườn. Bậc túc nho Nguyễn Khuyễn vẫn thường uống thứ nước dân dã này.

Nhưng còn một lý do sâu xa hơn thế. Quê gốc ở Treo Vọt, Can Lộc, Hà Tĩnh di cư ra Yên Đổ cho đến đời Nguyễn Khuyến thì được trăm năm. Người xứ Nghệ gọi cây vối là cây Bùi. Danh xưng vườn Bùi để con cháu không quên quê cũ.

Cổng vào nhà Nguyễn Khuyến rêu phong, cổ kính, ở trên có ba chữ nho “Môn Tử Môn”. Ông Tùng thuyết minh: “ Môn Tử môn” có nghĩa là cửa ra vào của học trò. Đây là một lời răn dạy nghiêm khắc về đạo làm trò. Trước khi vào nhà thầy cho dù là quan lớn hay thứ dân đều phải đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ vào viếng thầy.

Tam Nguyên Yên Đổ ImageHandler
Ông Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ Nguyễn Khuyến.

Cả đôi câu đối này nữa - ông Tùng chỉ tay vào cổng: “Kỳ duyên dong duy kỳ đồ ly từ/ Thiểu cáo đại khả dĩ dung tư cái” (Vào luyện đức, luyện tài để giúp dân giúp nước, sau đỗ đạt mang võng lọng mời thầy ra).

Vào cửa “Môn Tử Môn”, trước mặt tôi là ngôi từ đường được xây theo phong cách kiến trúc truyền thống, nhưng vẫn có nét “phá cách” đầy thâm ý. Ông Nguyễn Thanh Tùng cười bảo: “Cách xây ngôi nhà này: ngoài là đại tế, trong là hậu cung. Chỉ những người được sắc phong thần thì mới được xây như thế này.

Nhà cụ có lưỡng long chầu nguyệt, có 9 bậc. Thường thì người ta để hình lưỡng long chầu nguyệt trên nóc nhà nhưng riêng cụ lại để dưới đất. Cụ giải thích với giới chức sắc là làm như vậy để tránh nắng hướng đông và hướng tây nhưng thực ra thì “thâm ý” của cụ là vua nhà Nguyễn bán nước nên không cho cưỡi lên đầu (rồng), chỉ chầu đằng trước nhà thôi.

Đi sâu vào từ đường, gặp những nghiên bút, sắc phong, câu đối gợi lên những lấp lánh khoa bảng một thời. Đó là tấm biển “Ân tứ vinh quy”, “Nhị giáp tiến sĩ” do vua Tự Đức ban cho Tam Nguyên Yên Đổ.

Hậu cung vẫn còn lưu bộ triều phục của quan ngự sử Nguyễn Khuyến. Có bức tượng tạc hình Tam Nguyên Yên Đổ chống gậy trúc, khoan thai nhìn trời xanh. Cây gậy ấy là quà tặng của con trai Nguyễn Khuyến là Nguyễn Hoan sau một lần trảy kinh ứng thí.

Chuyện rằng, trên đường về qua mạn Thanh Hóa, Nguyễn Hoan đang mải mốt về quê sau cả tháng trời lều chõng, ngang đường, có một cụ già bước đến, bảo: “Nhìn ông, tôi biết ông có cha già. Xin tặng ông cây gậy này để dâng cha!”.

Ngôi từ đường còn giữ lại được như ngày nay là cả một kỳ tích. Năm 1947, cụ thân sinh của ông Nguyễn Thanh Tùng (hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn Khuyến) làm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Nam Hà. Giặc Pháp biết hậu duệ cụ Nguyễn tham gia cách mạng, tìm cách rót bom xuống bắn phá. May thay, tay đồn trưởng bốt Cầu Sắt đã cấm lính của mình “không sờ vào hiện vật”.

Tay đồn trưởng nguyên văn thế này: “Đây là đền thờ một vị thánh nho, một danh nhân, muốn sống không được đụng đến!”. Nhờ thế, dưới nền nhà, du kích đào một cái hầm bí mật để hoạt động.

Vào những năm 1950, tao đoạn loạn lạc, kẻ trộm vào lấy trộm đôi rồng nạm ngọc trong ngôi từ đường. Tên trộm chẳng bán được cho ai. Đến khi sắp chết, người này mới bảo con cháu, lấy kỷ vật ấy để trả lại cho con cháu cụ Nguyễn.

Lại chuyện khác, cách đây mươi năm, có bà cụ 90 tuổi sai con cháu cáng đến tận vườn Bùi, đòi gặp ông Tùng cho bằng được. Bà đến mang trả một mẩu gỗ, nguyên là một câu đối của cụ Nguyễn Khuyến. Bà cụ đến xá tội vì đã trót dại lấy câu đối của cụ… đóng giường cưới cho con trai, cũng bởi cái thời kỳ gỗ lạt hiếm như gạo châu, củi quế. Ông Tùng nhận mẩu gỗ, cất giữ trong số những kỷ vật hiếm hoi còn sót lại.

“Nhân vật” chính của chùm thơ thu

Bước ra khỏi ngôi từ đường, trước mặt tôi là “ngõ trúc quanh co” và “ao thu lạnh lẽo, nước trong veo”. Cái ao đặc trưng của vùng đồng quê chiêm trũng, nước trong leo lẻo, quả ổi vàng ruộm bên bờ rụng xuống, làm tan vỡ cả một mảnh mây trời. “Nhân vật” chính trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến cũng trải qua nhiều bước thăng trầm.

Tam Nguyên Yên Đổ ImageHandler
Ao thu lạnh lẽo.

Trước, ao rộng mênh mông, chạy đến tận mép con mương bao quanh làng. Ấy vậy nên Nguyễn Khuyến đã viết: “Trước ngõ hơn chừng một mẫu ao; Cá không phải thả vẫn dồi dào; Người giàu làm chủ lời hàng vạn; Kẻ khó mua về kiếm được bao; Gạo đắt khôn xoay lo đủ bữa; Nước sâu lại gặp cảnh mưa rào; Giàu nghèo ai biết nào do số; Đừng oán sầu chi, gắng sức vào”.

Vào thập kỷ 1960, hợp tác xã trưng dụng mẫu ao này, rồi kè bờ, đắp mảng, chia nhỏ thành dăm ba miếng. Hơn chục năm lại đây, từ khi từ đường Nguyễn Khuyến được nhà nước xếp bằng Di tích lịch sử Quốc gia, chiếc ao không còn rộng như xưa nữa, chỉ còn 6 sào, nhưng được bè bờ vuông vắn. Học sinh cấp III trường huyện đến trồng tre trúc quanh ao. Tre trúc đan cành đâm lá, tạo thành một khoảng xanh rì, ngăn với cánh đồng trước mặt, sớm trưa chiều tối tiếng chim hót rộn cả góc vườn.

Cái ao nằm trong tính toán phong thủy của Tam Nguyên Yên Đổ. Nguyễn Khuyến mệnh Hỏa nên trấn trạch hai thủy một hỏa để cân bằng âm dương. Hai thủy gồm cái ao lớn có bờ cỏ thẳng ngăn ở giữa rồi đến cái lạch nước trong. Cái ao và lạch giống hình bút lông và nghiên mực của các nhà nho.

Giờ đây, bên cạnh ao, lặng lẽ hiện lên chiếc chiếc bia hình bát giác khắc bài thơ “Thu Điếu” bằng ba thứ tiếng: chữ Nôm, chữ quốc ngữ và tiếng Anh. Các nhà kiến trúc Thụy Điển vượt qua những rào cản ngôn ngữ, đã yêu bài thơ đến mức thiết kế nhà 8 mái để làm sao từ “10 đến 12 giờ ánh nắng phải soi chiếu toàn bộ bài thơ thì mới xứng”.

Kỳ Thanh

http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/525278/Nhung-chuyen-la-o-vuon-nha-Nguyen-Khuyen.html


http://nguoilotgach.blogspot.com/2011/01/nhung-chuyen-la-o-vuon-nha-nguyen.html





Về Đầu Trang Go down
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 590
Join date : 18/10/2011

Tam Nguyên Yên Đổ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tam Nguyên Yên Đổ   Tam Nguyên Yên Đổ EmptyWed Mar 14, 2012 11:50 am

GIAI THOẠI VỀ CỤ TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ


VANTHOVIET.COM »

20/03/2011 | 21:10

Cụ Nguyễn Khuyến (Tam Nguyên Yên Đổ) mặc dù đã rời quan trường từ mùa thi 1892; song, là quan đại thần, lại đỗ Đại Khoa ( 3 lần đỗ đầu) với hàm Tổng đốc Tam Tuyên

Tam Nguyên Yên Đổ Image-large-giai-thoai-ve-cu-tam-nguyen-yen-do

GIAI THOẠI VỀ CỤ TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ

Tam Nguyên Yên Đổ Nguyen_Khuyen

Năm 1902, vua Thành Thái tuần du Bắc Hà kết hợp làm lễ trấn yểm cầu sông Cái Long Biên Hà Nội mà người Pháp đặt tên là Pôn- Đuyme, lấy tên viên Toàn quyền Đông Dương thời kỳ này, dự lễ trấn yểm có Vua nên tất cả các quan lại đại thần, các vị đại khoa ở Bắc Hà phải có mặt.

Cụ Nguyễn Khuyến (Tam Nguyên Yên Đổ) mặc dù đã rời quan trường từ mùa thi 1892; song, là quan đại thần, lại đỗ Đại Khoa (3 lần đỗ đầu) với hàm Tổng đốc Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) dù cụ đã cáo quan trên đường đi nhậm chức vì lý do "đau mắt”, cũng được triệu về HN bái yết nhà vua và dự lễ.

Tất cả các quan khi bái yết nhà vua đều phải tuân theo nghi lễ của triều đình, nghĩa là phải quỳ lạy (phủ phục) và hô "vạn tuế”, đến lượt cụ Tam Nguyên thật trớ trêu cho cụ bởi bà Chánh phi vợ của Thành Thái là con gái TS Nguyễn Trọng Hợp (người làng Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Đông, làm tới chức Văn minh điện Đại học sĩ, hàm chánh nhất phẩm, dân địa phương thường gọi là Nghè Lử hoặc Văn Minh Lử), trước đây đã đính ước với con trai cả của cụ là Nguyễn Hoan đỗ Phó bảng, sau vì 1 lý do nào đó nên ko thành. Nay nếu buộc phải thực hiện nghi lễ (điều đó là bình thường theo lễ vua-tôi), nhưng nếu lễ vua mà ko lễ vợ vua là ko ổn, mà lễ vợ vua hóa ra cụ phải lễ con dâu trượt của mình, sẽ là trò cười và hơn thế ko thể ko có những bình nghị chẳng hay ho gì, ảnh hưởng đến uy tín nhà nho Đại khoa như cụ .

Đem theo sĩ khí của nho sĩ Bắc Hà, cụ bái yết nhà vua và chỉ vái 2 cái, ko quỳ lạy như các vị khác, việc làm như vậy là phạm tội "khi quân” tức là khinh vua, có thể bị chém đầu! Có lẽ nhà vua biết uẩn khúc này nên thông cảm chỉ quở trách nhẹ, còn cụ Tam Nguyên thưa:
- Muôn tâu Hoàng Thượng, thần giờ chỉ như 1 con trâu già, xin đức Khâm thượng khai ân!

Nhà vua mỉm cười. Song, để giữ phép vua, phép nước và cũng là để giữ uy tín của triều đình. Hơn thế nhà vua còn biết tài ứng khẩu thành thi của cụ nên truyền thánh chỉ:
- Vậy khanh hãy làm bài thơ "Vịnh trâu già”, nếu hay trẫm miễn tội.
Cụ ung dung đọc bài thơ theo Đường luật thất ngôn bát cú "Vịnh trâu già” như sau:

Một nắm xương khô một nắm da,
Bao nhiêu các ách đã từng qua.
Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa,
Tai nặng buồn nghe Ninh Tử Ca.
Sớm thả Vườn Đào chơi đủng đỉnh,
Tối về thôn Hạnh thở nghi nga.
Có người toan giết tô chuồng mới,
Ơn đức vua Tề lại được tha.

Bài thơ "xuất khẩu” trên quả là tài tình hiếm có, rất đúng niêm luật, sát đầu đề dù đó là đề tài khó. Hay hơn ở chỗ cụ đã ví mình, một vị quan lại ko còn mẫn cán với triều đình như xưa, nay chỉ như 1 con trâu già, trâu phế canh ko còn tác dụng gì với nhà nông nữa. Bởi nay chỉ còn có da bọc xương do cả đời kéo cày mắc ách, làm lụng vất vả, ăn giả làm thật như trong "Lục súc tranh công” đã tả đó là 2 câu mở đầu.

Đến câu 3-4, cụ dùng điển tích Trung Quốc để mở rộng ý rằng con trâu còn có công với nước. Đó là chuyện Điền Đan thời Chiến quốc, một tướng nước Tề khi bị nước Yên sang đánh chỉ còn có 1 thành. Điền Đan dụng mưu dùng mồi rơm có tẩm dầu buộc vào đuôi trâu, mài sừng sắc nhọn hoặc gắn kiếm sắc vào sừng, đốt lửa cho trâu sợ xông vào quân Yên. Quân Yên sợ bỏ chạy, nước Tề được phục quốc ~~> Nếu không có trận hỏa công đó chắc chắn nước Tề bị tiêu diệt.

Hoặc Ninh Tử chính là Ninh Thích khi chưa làm quan, có tài nhưng ko ai biết đến. Ông làm nghề chăn trâu, thường gõ sừng trâu để hát, nói lên chí lớn của mình, để sau đó Quản Trọng dùng làm tướng nước Tề.

Hai câu 5-6 của bài thơ có từ Vườn Đào, thôn Hạnh xuất xứ từ chuyện Vũ Vương đánh Trụ đã dùng trâu để vận chuyển rất đắc lực. Sau khi diệt Trụ, ông đã ra lệnh 3 năm cấm giết trâu, buổi sớm cho chăn ở Vườn Đào, tối về cho nghỉ ở thôn Hạnh Hoa, 1 làng đẹp của TQ xưa, lại có nghề nấu rượu nổi tiếng ngon như "Tam Quốc chí” đã tả.

Câu kết "Ơn đức vua Tề” nhắc lại sự tích Tề Tuyên Vương thấy lính dắt trâu đi qua trước thềm, con trâu run rẩy sợ hãi, vua hỏi thì được biết hị dắt trâu đi giết lấy máu làm sơn tô chuồng mới, bèn ra lệnh tha trâu ko giết. Nguyễn Khuyến ví mình như là 1 con trâu già mà người ta chỉ nhăm nhăm muốn giết để ăn thịt, liệu ông (chỉ vua Thành Thái) có tha mình như vua Tề đã tha trâu ko giết thịt?

Thành Thái là 1 ông vua tiến bộ, biết được ưu tư của cụ, lại cảm cái khí khái nhà Nho. Nhà vua đánh giá cao bài thơ rất hay và khen câu "Ơn đức vua Tề”, vì vậy ko những tha tội mà còn thưởng hậu.

(st từ Tạp chí Ngân Hàng)

http://vanthoviet.com/news/n/513/277/giai-thoai-ve-cu-tam-nguyen-yen-do.html?l=vn

Về Đầu Trang Go down
https://yeunguyenkhuyen.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 590
Join date : 18/10/2011

Tam Nguyên Yên Đổ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tam Nguyên Yên Đổ   Tam Nguyên Yên Đổ EmptyWed Mar 14, 2012 12:01 pm

Những chuyện chưa biết về Tam Nguyên Yên Đổ

Kỉ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Khuyến:
- Hôm nay, 15 tháng Giêng, sẽ diễn ra lễ kỉ niệm 100 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Khuyến ngay tại từ đường cụ ở làng Bùi, thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Lễ kỉ niệm nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của cụ Tam Nguyên Yên Đổ với con cháu ngày nay.

Chúng tôi đã tìm về vườn Bùi chốn cũ, gặp ông Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ đời thứ năm của Nguyễn Khuyến để được nghe ông kể về cố nhân với niềm tự hào và xúc động khôn tả.

Tam Nguyên Yên Đổ 090209213632-830-818
Ông Tùng rất chịu khó chăm chút Từ đường Nguyễn Khuyến


“Nghĩ đến núi sông trào nước mắt/ Ngước nhìn non sông xiết buồn đau”

Những câu chuyện chúng tôi đã được biết từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường ấy được kể bằng chất giọng “quê mùa” thân thương của người đàn ông vùng chiêm khê mùa thối, lại ngay chính ở Từ Đường Nguyễn Khuyến - nơi mà cách đây gần 2 thế kỉ, thi hào Nguyễn Khuyến đã từng ngồi sáng tác ra chùm thơ Thu “bất hủ” và nhiều bài thơ nổi tiếng khác, nên nó lang lại cảm giác rất lạ cho chúng tôi.

Từ đường Nguyễn Khuyến cao 9 bậc có lưỡng long triều nguyệt. Thường thì người ta để lưỡng long triều nguyệt ở nóc nhà nhưng đây cụ lại để dưới đất. Có người thắc mắc thì cụ trả lời để tránh nắng hướng đông và nắng hướng tây (nhà cụ quay về hướng Tây chếch 5 độ - ý là luôn hướng về cõi Phật). Nhưng thực ra ý cụ là vì vua bán nước nên cụ không cho ngồi trên đầu cụ mà chỉ cho ngồi ở trước nhà thôi (rồng tượng trưng cho vua).

Đó mới chính là ý nghĩa sâu xa của cụ nhưng ít người biết. Lấy cớ đau mắt, cụ xin cáo quan về quê, bỏ lại “Lầu son gác tía nhường cho trẻ/ Nước biếc non xanh bạn với già”, sống một cuộc sống tuy có bần hàn:

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa

Chợ búa trầu cau chẳng dám mua

(Nước lụt Hà Nam)

Nhưng thanh thản, giữ khí tiết của người quân tử: quyết không chịu làm tay sai cho một tên vua bù nhìn, hợp tác với quan quân triều đình để bóc lột nhân dân. Sự trở về vườn Bùi của cụ Tam Nguyên là thái độ bất hợp tác với địch là hành động thể hiện rõ thái độ yêu nước, không chịu khuất phục của cụ. Bởi hơn ai hết cụ thấy rõ rằng ở một xã hội mà vua quan đều như “phường chèo”:

Vua chèo còn chẳng ra gì

Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề

(Lời vợ người hát chèo)

thì sự có mặt của ông cũng chẳng làm được gì, có chăng chỉ là những vị “Tiến sĩ giấy” mà thôi:

Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe

Tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi!

(Vịnh Tiến sĩ giấy)

Tam Nguyên Yên Đổ 090209213632-303-106
Ông Tùng rất chịu khó lau chùi đồ thờ ở Từ đường

Ngay cả khi bị viên tay sai số một cho Pháp Hoàng Cao Khải bắt cụ phải ra đình quỳ lạy đón tiếp viên công sứ Pháp, cụ biết không thế trốn được nên đành phải theo hắn ra. Ra đến nơi, cụ cũng sửa soạn quần áo rất chỉnh tề nhưng lại nhằm cái cột đình bên cạnh hắn mà lạy rồi lại xin lỗi khiến những viên quan ngu dốt thì cho rằng mắt cụ kèm nhèm không nhìn rõ nữa, rằng cụ đã lẩm cẩm rồi nhưng thực ra thì dân làng, những người có học, những người yêu nước thì đều biết rằng ấy là cụ ghét Pháp, ghét bọn xâm lược, cụ là dân của nước này thì không hà cớ gì cụ lại phải quỳ lạy một tên xâm lược.

Ông Tùng chậm rãi kể với tôi rằng: “Người ta vẫn chưa hiểu hết thâm ý của cụ Nguyễn. Ba bài thơ nức tiếng của cụ về mùa thu, “Thu điếu” đâu phải là “Mùa thu câu cá”. Đấy chỉ là cách chơi chữ của cụ Nguyễn. Nó là bài điếu văn khóc mùa thu của cụ, trước cảnh đám tham quan, triều đình mục ruỗng không giữ được chủ quyền đất nước, làm cho mùa thu đất nước nhuốm màu hoang tàn, tang tóc. Ngay như ngày sinh ngày mất của cụ, cũng vẫn bị “bé cái nhầm”. Ngày sinh chính xác của cụ là ngày 15 tháng Chạp năm Ất Mùi (1835); và ngày cụ về với tiên tổ cũng nhằm chính Rằm tháng Chạp năm Canh Tuất (1910) chứ không phải là ngày 18 tháng Chạp năm 1909 như người ta vẫn nói…”.

Trăm năm vườn Bùi chốn cũ

Nổi tiếng là thông minh, hiếu học nhưng con đường hoan lộ của cụ thì không mấy hanh thông. Sau hơn 30 năm dùi mài kinh sử, với 9 lần lều chõng đi thi (năm 1864 cụ mới đỗ Giải Nguyên) thực sự là một nỗ lực ít ai có được. Cũng cần phải nói thêm rằng lúc đầu tên cụ là Nguyễn Thắng chứ không phải Nguyễn Khuyến như mọi người vẫn gọi. Nhưng do năm 1865 trượt kỳ thi Hội, cụ càng quyết chí học hành và đổi tên thành Nguyễn Khuyến. Nguyễn Thắng nghĩa là thành công, thuận lợi; còn Nguyễn Khuyến là khuyến khích, khích lệ. Nguyễn Thắng là kết quả đạt được, trong khi Nguyễn Khuyến là quá trình dẫn đến thành công. Việc đổi tên này thêm một lần nữa lại khẳng định hơn cái quyết tâm học hành của cụ. “Tuy hiện nay nhà bác không làm thơ, cũng không làm quan nối nghiệp tổ phụ nhưng mọi người trong họ, hàng năm cứ đến ngày giỗ cụ vẫn nhắc nhở cháu con giữ gìn truyền thống, noi gương hiếu học của cụ.” - Ông Tùng tâm sự.

Ngồi trong không gian tĩnh lặng và vẫn còn giữ được như nguyên vẹn cái nét xưa của “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” ấy, chúng tôi không khỏi thầm cảm phục cái công ngày ngày chắt chiu từng “cọng lá bờ rêu” của ông Tùng. Ao thu vẫn còn đây, vẫn phủ đầy bèo cái, bèo ong như cái thời “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”, trên bờ là trúc quân tử ken dày. “Đây là cái ao được tính rất kỹ theo phong thủy. Khi cụ đỗ đầu ba khoa, cụ phát hỏa nên cụ chấn trạch hai thủy một hỏa để cân bằng âm dương. Nói là để chấn trạch nhưng chơi chữ thì con lạch nhỏ nước trong veo là tượng trưng cho bút lông- được ngăn với ao bằng một đoạn tường kè, ao ấy chính là tượng trưng cho nghiên mực. Bút lông và nghiên mực- ấy là hai thứ quan trọng nhất với người học trò. Thiếu một trong hai thứ ấy chẳng khác nào đi cày mà quên mang cuốc, phải không các cháu?” Nói xong ông cười sảng khoái, chừng như vừa thú vị lại vừa tự hào với cái “thâm ý” của tổ phụ mình.


Tam Nguyên Yên Đổ 090209213632-402-638
Cổng Môn tử môn

Trên cổng vẫn còn đề 3 chữ “Môn Tử Môn”, ý rằng đấy là cửa ra vào của học trò. Học trò cụ đông, nhiều người đỗ đạt làm quan to, mỗi khi về thăm thầy phải xuống ngựa, hạ lọng từ ngoài mới vào được. Xây cổng như thế, đề ba chữ như vậy là để học trò cụ luôn khắc ghi trong tâm đạo lễ của người học trò.

Ra về, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chênh chếch với cổng “Môn Tử Môn” lại là một cổng sắt được xây kiểu Tây, bên trong cổng là lầu bát giác có đặt bia khắc bài thơ “Thu điếu”- cũng nằm trong khuôn viên khu vườn. Bởi cũng chính vì ghét “Tây”, bất lực trước triều đình vua quan bù nhìn với những “anh giả điếc”, “ông Phỗng đá”, “Tiến sĩ giấy”… mà ông từ bỏ mũ áo, cáo quan về quê, ấy thế mà lại xây một cái cổng sắt kiểu Tây ngay trong vườn cụ. Thêm nữa, sinh thời cụ là người rất trọng đạo lễ (ngay ba chữ “Môn Tự Môn” khắc trên cổng vào cũng nói lên điều này) vậy mà lại xây thêm cổng này để khách vào chơi. Vậy thì chẳng hóa ra là coi thường đạo học của cụ chăng? Đem thắc mắc này hỏi ông Tùng nhưng ông không nói gì mà chỉ tủm tỉm cười.

An Nhiên - (Bài và ảnh)


http://www.tin247.com/nhung_chuyen_chua_biet_ve_tam_nguyen_yen_do-8-21378857.html

Về Đầu Trang Go down
https://yeunguyenkhuyen.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 590
Join date : 18/10/2011

Tam Nguyên Yên Đổ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tam Nguyên Yên Đổ   Tam Nguyên Yên Đổ EmptyWed Mar 14, 2012 12:07 pm

Thăm từ đường cụ Tam Nguyên Yên Đổ

Hà Nam quê mẹ nơi mình sinh ra lớn lên chỉ cách nhà cụ Nguyễn hai cánh đồng. Bài nay có từ năm ngoái đợt mình về quê đã in trên Tạp chí PanXiPăng 2010.

Thăm từ đường cụ Tam Nguyên Yên Đổ
Ký của Công Thế

Tôi nhè nhẹ bước dọc bờ dậu trúc và dãy tre xanh đang rủ mình soi bóng “ao thu”. Cố ghìm ghịp nhịp thở, lắng nghe tiếng chim hót ríu ran gọi nhau trong mùa xây tổ. Khóm hoa dành dành nở trắng bờ ao thoang thoảng dâng hương giữa hân hoan trời đất chuyển mùa.

Tháng ba lúa xuân đang kỳ con gái, mướt xanh trên đồng. Nắng đầu hạ đã trải vàng như bừng thức hoa lá cỏ cây. Thấp thoáng mấy chùm phượng vĩ đã lập loè đơm lửa. Đi trong cái rạo rực của trời đất chuyển mùa, như giục dã bước chân du khách. Trên đường cố hương ấy lẫn cùng vào những du khách, chúng tôi những người con quê hương Hà Nam tha hương lên vùng biên viễn Lào Cai nay có dịp về thăm quê. Và cũng không quên tìm về làng Vị Hạ ( còn gọi là làng Và) xã Yên đổ thành kính thắp nén hương thơm trước từ đường nhà thi sĩ tài danh, nhà đại khoa bảng Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

Như bao người con đất Việt, từ những người từng sống trong chế độ đô hộ của thực dân Pháp cho đên các em học sinh đang cắp sách đên trường, qua trang sách qua bài giảng của thầy, đã biết đã khâm phục tài danh của cụ, người đã từng thi đỗ đầu ba kỳ thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Được vua Tự Đức ban bảng vàng cờ hiệu và hai chữ Tam Nguyên. Tài năng lừng lẫy một thời. Nhưng cái để lại cho muôn đời của cụ là thơ văn. Sau khi từ quan về sống ẩn tại quê, cũng từ mảnh đất vườn Bùi nơi đồng chiêm trũng này nhà thơ đã để lại nhiều tác phẩm kiệt tác cho nền văn học Việt Nam. Điển hình là ba bài thơ thu “ Thu Vịnh, Thu Điếu , Thu Ẩm ” đã tạo nên sắc thái riêng mà mỗi khi nhắc đến, ai cũng biết đó là thơ Tam nguyên Yên Đổ. Những tác phẩm đó trở thành những hạt Ngọc Châu của thơ ca Việt Nam cận đại “ Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào”…(Thu Vịnh) … Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt / ngõ trúc quanh co khách vắng teo”…(Thu Điếu.) “Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt/ Làn ao lóng lánh ánh trăng loe…Năm gian nhà cỏ thấp le te /Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe” …(Thu Ẩm.. Và đâu chỉ có thế những bài thơ trào phúng, châm biếm, mỉa mai, cái trái tai, gai mắt thời chế độ phong kiến, mà tính khí ấy không phải ai và thời nào cũng dám làm, dám nói “…Nghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe/ Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi…” (Vịnh tiến sĩ giấy). Nhà thơ còn tự giễu cả mình, đem cái lỗi thời của mình ra “ nhạo báng” thì thật là quá hiếm. “Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ / Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng. (Tự trào).

Đường đến thăm từ đường nhà thơ cũng không mấy khó khăn. Qua cầu Sắt, đường “cái quan” trên quốc lộ 21 từ Thành phố Phủ Lý đi Nam Định qua km 16 rẽ trái, chỉ cần ngoặt ba ngoặt là đã đi tới cái cổng xây có cửa vào cuốn vòm tò vò, đó là khu di tích lịch sử văn hóa từ đường nhà thơ. Con đường làng được tráng bê tông xe bốn bánh ra vào thỏa mái, thoáng đãng, sạch đẹp. Làng quê qua mấy chục năm đổi mới, cuộc sống đã đổi thay nhiều, nhà cửa hai ba tầng mọc lên san sát. Riêng ngõ vào nhà cụ, không còn “quanh co” và mới được tân trang lát gạch nghiêng theo lối cổ, rộng rãi, thông thoáng, ven dậu chỉ còn ít khóm trúc phất phơ như để tô điểm quá khứ. Khách thập phương ra vào tấp lập khác xa với cảnh “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Thời cụ.

Khu di tích từ đường nhà thơ với diên tích chín sào tư nằm trên khuôn viên điền thổ tư gia nhà thơ được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa . Cái cổng tò vò dạng cổng xây mang mo típ kiến trúc cổ phổ biến ở đồng bằng bắc bộ từ những thế kỷ trước. Khu di tích từ đường vẫn còn khá nguyên vẹn. Cổng cao chừng hơn 3m, cửa vào cao 1,9m hai bên xây hai trụ to có hai hàng câu đối chữ Hán. Theo nhà nho học Phạm Công Nghiệp cho biết do con cháu tô sửa lại chữ nghĩa có sai lệch đôi nét nhưng vẫn dịch và hiểu được. Phía trên có hình tròn lồng âm dương và ba chữ Hán đắp nổi chạy ngang: Môn Tử Môn dịch là “cửa vào ra của học trò” điều đó nói nên vị trí chủ nhân của ngôi nhà. các con sơn đấu trụ được đắp cầu kỳ bằng vữa làm cho mặt trước đẹp sinh động.

Tam Nguyên Yên Đổ IMG_4666
Nhà bái đường trong khu di tích từ đường trước cửa là hai cây nhãn cổ giống Tiến Vua

Thật may mắn cho chúng tôi hôm đến thăm được chính cháu nội đời thứ năm nhà thơ - Ông Nguyễn Thanh Tùng tiếp đón qua giới thiệu, nhìn, nghe cách ông hướng dẫn nói chuyện từng chi tiết trong khu di tích, Thấy ông là người nho nhã. Ở vào tuổi thất thập nhưng còn nhanh nhẹn, tinh thông, am hiểu, nho giáo lắm. Đúng là giọt máu hồng họ Nguyễn vẫn không ngừng tuôn chảy tiếp nối. Hiện ông vẫn làm nhiệm vụ sạch cỏ, đỏ đèn để đón khách bốn phương yêu thơ về viếng thăm, chiêm bái một tài năng của dân tộc.


Tam Nguyên Yên Đổ IMG_4662
Tác giả trao đổi cùng ông Nguyễn Thanh Tùng hậu duệ đời thứ năm Cụ Nguyễn
Khu di tích gồm có hai dãy nhà chính xây theo hình chữ nhị nhìn từ trên xuống và một dãy nhà ngang dành cho sinh hoạt. Dãy nhà phía trước là nhà tế đường có 7 gian. Khi nhà thơ cáo quan về quê dựng bằng tranh nứa, đã bị con cháu dỡ bán đi cách đây hơn 80 năm. Sau đó ông Hàn Đạm cháu nội nhà thơ con trai thứ hai của phó bảng Nguyễn Hoan cho dựng lại trên nền nhà cũ, lợp tranh nhưng rồi do túng bấn chính ông lại đem dỡ bán. Mãi đến sau nay mới được đầu tư, tu sửa khang trang như ngày nay. Ba gian giữa để tiếp khách và làm nơi hội họp, trưng bầy các hiện vật, hình ảnh hoạt động sinh thời của nhà thơ. Mỗi gian có bốn cánh cửa gỗ bức bàn thông với dãy cửa phía sau. Hai đầu hồi được ngăn ra bằng gỗ để làm nơi nghỉ ngơi cho khách thập phương. Ngôi nhà này làm theo kiểu vi kèo giá chiêng, mái lợp ngói nam, điêu khắc mang phong cách thời Nguyễn. Qua một sân gạch nhỏ là dãy nhà thứ hai gồm 3 gian. Ngôi nhà này là nơi thờ nhà thơ. chính nơi đây nhà thơ đã trút hơi thở cuối cùng đi vào cõi hư vô cách nay 100 năm. Nhà xây nối cổ gồm ba gian, bốn hàng cột, kiểu giá chiêng chồng rường. Ngoài một số trạm khắc hình lá lật, một vài chữ triện, kỹ thuật ở đây chủ yếu là ghép mộng, ngang bằng sổ ngay dứt khoát, kết cấu với nhau chặt chẽ. Phía trước hàng cột con, mỗi cột mang một câu đối khắc trực tiếp vào cột. Trên chính gian giữa ban thờ, trong khám đặt trang trọng tấm ảnh của cụ đầu đội khăn lượt áo dài, tay nâng chén rượu hạt mít. Tấm ảnh này chụp cụ lúc sinh thời. Ngay lúc xem ảnh mình, cụ đã có bài “đề ảnh” và đặt câu hỏi: “Trăm chén hình ta xin tặng ảnh ta / Nghìn năm sau ta sẽ là ai…” Và giờ đây con cháu cũng xin thưa với cụ, đã đến trăm năm có lẻ và có lẽ nghìn năm sau thì tiếng vang thơ ca của Tam Nguyên Yên Đổ vẫn là hào quang không phai nhạt trên văn đàn thi ca Việt Nam. Tên của cụ đã hóa vào tên những đường phố hiện đại, tên nhiều mái trường khang trang trên các miền của đât nước.

Cũng tại căn nhà này sau khám thờ vẫn còn hai hòm sách và một ống quyển lưu giữ văn bài mà thời nhà thơ đi kinh kỳ thi. Sau khoa thi Tân Mùi (1871) đỗ đầu cả ba kỳ triều đình đã ban cho bảng vàng ( Ấn tứ vinh quy) bằng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Hiện nay hai bảng vua ban được để trang trọng hai bên nơi bàn thờ sau đôi câu đối lòng máng làm từ thân cây dừa già do tổng đốc Ninh Thái tặng năm 1872. Gian bên một bức tượng chân dung toàn thân, cao hơn hai mét, trang trọng trên bục cao. Đầu vấn khăn, tay chống gậy dáng vẻ thanh thoát. Phía trong có kê bộ sập gụ, hiện vật gắn bó với cuộc đời nhà thơ cho đến khi trái tim ngừng đập.

Trong hương khói ngạt ngào và mùi thơm lan tỏa man mát từ các loại hoa trong vườn nhà, chúng tôi thành kính dâng nhang trước ban thờ cụ. Trong khói hương mờ ảo, như phảng phất đó đây hình bóng của cụ, nụ cười mãn nguyện về một đất nước thanh bình, tươi đẹp và sự tiếp nối của thế hệ hôm nay. Ngoài kia trong tư điền thổ vườn Bùi, cây trái bốn mùa vẫn xum xuê đơm hoa kết quả, chim hót líu lo. Năm sào ao Thu dường như có cạn hơn thời xưa, đàn cá vẫn nhao đớp mồi xao động mặt nước lăn tăn, có khác chăng đám lục bình không bồng bềnh nổi trôi như kiếp phù sinh nhân thế. Nhìn đàn cò trắng trên ngọn tre thản nhiên đứng rỉa lông, râm ran câu chuyện linh nghiệm về vùng đất lành . Bên bờ ao nơi cụ “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được” chính quyền và nhân dân huyện Bình Lục đã dựng một bia đá trang trọng, trên bia có khắc bài thơ tuyệt tác Thu Điếu bằng ba ngôn ngữ Việt, Hán, Anh. Ao thu được tôn tạo, cảnh quan vườn Bùi từng bước được phục hồi. Những việc làm đó như sự tri ân với một thi nhân tài danh yêu nước, thương dân. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng kể lại: không chỉ có tài thơ phú, cụ Nguyễn còn là người rất thông hiểu thiên văn, địa lý, phong thủy được cụ luôn tôn trọng tin dùng vào chính nơi ở như cổng vào, vườn ao, khoảng sân… để có một không gian thoáng đãng tĩnh mịch, hài hòa với thiên nhiên đã toát lên cốt cách thanh tao của một nhà đại khoa là những minh chứng. Ông còn cho biết câu chuyện phảng phất chút huyền bí về chuyện cụ chọn chỗ ở cho mình trước lúc “đi xa”. Trên núi Phương Nhi thuộc xóm Son, thôn Ngô Xá, Yên Lợi, Ý Yên, Nam Định cách quê gần hai mươi cây số. “ Đào xuống khi nào thấy đất sét trắng thì hạ” ( Lời cụ dăn). Còn chi tiết rất thú vị nữa thể hiện tài văn chương chữ nghĩa của cụ Tam Nguyên. Bằng đôi câu đối độc đáo, tài tình dễ nhớ, dễ thuộc, để đời đời con cháu có loạn ly qua nhiều đời cũng vẫn nhớ cội nguồn, nhớ về nơi an nghỉ của cụ mà thăm viếng, khói hương: “ Đi chợ già qua làng An Lão/ Dắt lũ trẻ lên núi Phương Nhi ”. Đã thể hiện rõ ràng về đường đi, lối lại, vị trí mộ phần, còn thể hiện lối chơi chữ tài hoa, những vế đối rất chỉnh giữa; đi - dắt, già - trẻ, qua - lên, An Lão - Phương Nhi, thật tài tình.

Tôi nhẹ nhẹ bước dọc bờ dậu trúc và dãy tre xanh đang rủ mình soi bóng “Ao thu”. Cố ghìm ghịp nhịp thở, lắng nghe tiếng chim hót ríu ran gọi nhau trong mùa xây tổ. Khóm hoa dành dành nở trắng ven ao, thoang thoảng dâng hương giữa sự hân hoan của trời đất chuyển mùa.

Một lần thăm quê. C.T

http://congthekhoangsan.blogspot.com/2011/08/tham-tu-uong-tam-nguyen-yen-o.html

Về Đầu Trang Go down
https://yeunguyenkhuyen.forumvi.com
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 590
Join date : 18/10/2011

Tam Nguyên Yên Đổ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tam Nguyên Yên Đổ   Tam Nguyên Yên Đổ EmptyWed Mar 14, 2012 12:13 pm

Tam Nguyên Yên Đổ

Posted: 21/09/2011 in Biên Khảo / Phê Bình, Lê Văn Phúc
Lê Văn Phúc

Tam Nguyên Yên Đổ Nguyen_khuyen2
Nguyễn Khuyến (1835-1909)

Qua mấy bài truớc, bạn đọc đã nhớ lại hai bậc đại nho lừng lẫy trong văn học sử nước nhà.

Nguyễn Công Trứ thì văn tài, võ tướng hiên ngang, chí làm trai, phận sự kẻ sĩ lo tròn, công nghiệp lừng danh thiên hạ. Hồi thiếu thời chưa danh phận cũng lả lướt rong chơi văn nghệ “giang sơn một gánh giữa đồng”. Khi đỗ đạt vẻ vang đã đem tài ra giúp nước cho thỏa chí nam nhi. Lúc về già cưỡi bò rong chơi, theo sau một lũ tiểu đồng. Nhìn lại cuộc đời, Nguyễn Công Trứ chỉ mong nếu có kiếp sau thì xin được làm cây thông đứng giữa trời mà reo chứ không muốn làm người nữa!

Trong tâm sự ấy hẳn ẩn chứa một điều gì cay đắng của kiếp nhân sinh…

Chu Mạnh Trinh cũng đỗ đại khoa, tiếng tăm lừng lẫy, cũng văn nghiệp, công nghiệp xây dựng chùa chiền, cũng nổi danh là một thi nhân có tấm lòng yêu mến thiên nhiên, có tâm hồn thanh cao, tài hoa phóng khoáng…

Đến Nguyễn Khuyến, chúng ta lại thấy thêm một nhân tài làm vẻ vang cho đất nước.

Khác với nhiều sĩ phu cũng đỗ đạt cao, tên tuổi ghi trên bia đá trong văn miếu, nhưng ngày nay chúng ta ít được nghe đến đại danh. Phải chăng những bậc ấy chỉ nổi tiếng một thời, đỗ đạt rồi ra làm quan chứ không nổi tiếng trong phạm vi văn chương thi phú.

Với Nguyễn Khuyến, người đã để lại trong văn học Việt Nam mấy trăm bài thơ chữ Hán và hàng trăm bài thơ chữ Nôm, qua nhiều thể thơ đã là một kho tàng quý giá cho hậu thế.

Tiếc rằng chữ Hán ngày nay đã không còn được thông dụng nên chúng ta chỉ còn được thưởng thức những bài thơ chữ Nôm của người xưa.

***

Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, hồi nhỏ có tên là Nguyễn Thắng. Quê nội ở xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Thiếu thời, ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ tam nguyên năm 1864 -1865) là bạn học ở trường Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị.

Ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học. Nhà nghèo nhưng vẫn cố gắng đèn sách học hành.

Năm giáp Tí (1864) ông thi Hương đậu Giải Nguyên, cùng khoa với mấy bạn thân là Dương Khuê ở Vân Đình và Bùi Văn Quế ở Châu Cầu.

Năm sau, thi Hội không đậu, ông ở lại kinh đô, đổi tên Nguyễn Thắng thành Nguyễn Khuyến, học trường Quốc Tử Giám.

Năm Tân Mùi (1871) ông đỗ Hội Nguyên và thi Đinh, đậu Đình Nguyên. Vì đỗ đầu cả 3 kỳ thi nên người ta gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ.

Tôi đã theo cuốn “Thơ Nôm Yên Đổ&Tú Xương” của Bảo Vân Bùi văn Bảo để phân loại các thể thơ, giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khuyến cùng độc giả.

Có thể tạm chia thành các thể thơ như sau: Ngũ ngôn, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, lục bát, song thất lục bát, hát nói, câu đối, phú Đường luật.

Trước hết, thơ ngũ ngôn là thơ mỗi câu có 5 chữ. Như bài “Đầu mùa hạ”:

Tháng tư, đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiéng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay lả tả
Nỗi ấy ngỏ cùng ai?
Cảnh này buồn cả dạ
Biếng nhác năm canh chầy
Gà đã sớm giục giã…

Ông là người có óc hài hước, nhìn đâu cũng thấy có nét lạ, thấy khác thường nên đến người tu hành dưới mắt ông cũng không thoát khỏi những lời châm chọc:

Vịnh ông sư

Đầu trọc lóc bình vôi
Nhẩy tót lên chùa ngồi
Y..a.. kinh một bộ
Lốc cốc mõ ba hồi
Cơm chẳng cần cá thịt
Ăn rặt oản, chuối, xôi
Không biết câu tình dục
Đành chịu tiếng bồ côi…

Qua thất ngôn tứ tuyệt, có bài “Phỗng đá”:

Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá, vững như đồng
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
Non nước đầy vơi có biết không?

Câu chót: “đầy vơi” nghe có vẻ không êm bằng “vơi đầy”!?

Còn bài nữa là bài “Chừa rượu”:

Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa, nhưng tỉnh lại hay ưa
Hay ưa, nên nỗi không chừa được
Chừa được, nhưng mà cũng chẳng chừa!

Tiếp đến là thể thất ngôn bát cú. Loại 7 chữ, 8 câu được coi như sở trường của Nguyễn Khuyến, với rất nhiều bài quen thuộc với chúng ta. Xin đan cử:

Mùa thu câu cá

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo…

Đó là một bức tranh thu, cảnh vật đều tĩnh lặng, êm ả. Có ao thu lạnh lẽo, có lá vàng trước gió sẽ đưa vèo, có trời xanh ngắt, có ngõ trúc quanh co và một người ngồi ôm cần chỉ thấy cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Như một bức tranh quê ẩn hiện tâm sự của tác giả, lẩn quất trong cảnh vật thiên nhiên, mang một dáng buồn man mác…

Qua đến mùa hè, tác giả cũng có bài “Vào hè”:

Ai xui con cuốc gọi vào hè
Cái nóng nung người, nóng nóng ghê
Ngõ trước, vườn sau um những cỏ
Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê
Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác
Giữa xóm đua bay, đóm lập loè
May được nồm nam cơn gió thổi
Đàn ta, ta gẩy khúc Nam nghe…

Nguyễn Khuyến riễu người nhưng cũng tự riễu mình, một con người dở dở ương ương, đánh cờ rất thấp, đánh bạc thì chạy làng, nói năng gàn bát sách…Vậy mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng ! Như bài « Tự trào » :

Cũng chẳng giầu mà cũng chẳng sang
Chẳng gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng
Cờ đương dở cuộc, không còn nước
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng
Mở miệng nói ra gàn bát sách
Mềm môi chén mãi, tít cung thang
Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ !
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng !

Nhắc lại : Ông đỗ đầu cả 3 kỳ thi, gọi là tam giáp tiến sĩ tức Tam Nguyên Yên Đổ !

Chưa hết, ông còn 2 bài tự rỡn mình, xin chọn bài « Tiến sỉ giấy 2 » :

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi Ông Nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ ?
Cái giá khoa danh, thế mới hời !
Ghế tréo, lọng xanh, ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi !

Tác giả sống trong thời kỳ Pháp đô hộ nước ta. Ngày hội Tây, có lắm trò chướng tai gai mắt. nên dưới mắt Nguyễn Khuyến, nhận xét thế này :

Hội tây

Kià hội thăng bình, tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải
Thằng bé lom khom nghé hát chèo
Cậy sức, cậy đu, nhiều chị nhún
Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu !

Nhục đây là nhục mất nước, nhục làm nô lệ !

Ông có người bạn học cũ làm Tuần Phủ, tính keo kiệt, bủn xỉn, lại có hiềm khích với Nguyển Khuyến. ông bạn chỉ lo làm giầu nên mất cướp. Nguyễn Khuyến có bài thơ như sau :

Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
Nó lại lôi ông đến giửa đồng
Lấy của, đánh người, quân tệ nhỉ !
Thân già, da cóc có đau không ?
Bây giờ trót đã sầy da trán
Ngày trước đi đâu mất mẩy lông
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông !

Tả cảnh mình nhà nghèo mà có bạn đến chơi, không biết tiếp đón ra sao, ăn uống thế nào, Nguyễn Khuyến đã có một bài thơ rất khéo, rất thực tình, bộc bạch cảnh nhà nỗi khó, chỉ còn bạn với ta nhìn nhau cũng đủ cười khà !

Bạn đến chơi nhà :

Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu, nước cả khôn chài cá
Vườn rộng, rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp chuyện, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta.

Tả cảnh nghèo mà khéo đến như thế phải coi là tuyệt diệu !

Mùa lụt, bạn ông là Bùi văn Quế ở Châu Cầu cũng chịu cảnh lụt lội. Ông có thơ thăm bạn như sau :

Lụt hỏi thăm bạn

Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu
Lụt lội năm nay, bác ở đâu ?
Mấy ổ lợn con, rầy lớn bé ?
Vài gian nếp cái, ngập nông, sâu ?
Phần thua, suy tính càng thêm thiệt
Tuổi cả, chơi bời hoá sống lâu
Em cũng chẳng no mà chẳng đói
Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu…

Một bài nữa cũng rất khó, rất lạ với vần trắc ở cuối mỗi câu, xem ra ít có ai soạn được theo lối đó.

Nguyễn Khuyến có bài “Cảnh tết”:

Năm ngoái, năm kia đói muốn chết
Năm nay phong lưu đã ra phết!
Thóc mùa, thóc chime hãy còn nhiều
Tiền nợ, tiền công chưa trả hết
Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng
Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt
Ta ước gì được mãi như thế
Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết!

Nguyễn Khuyến đã trải qua nhiều cảnh ngộ trong cuộc đời, từ nghèo khổ đến hiển vinh, từ ấu thơ đến lúc tuổi về chiều. Và đây là bức tranh của một ông già khi xế bóng, mọi thứ đều có chiều hướng đi xuống, kèm nhèm, khấp khểnh, phút chốc đã thấy mình già.

Đây là “Cảnh già”:

Nhớ từ năm trước hãy thơ ngây
Phút chốc mà già đã đến ngay
Mái tóc chòm xanh, chòm lốm đốm
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay
Nhập nhằng bốn mắt tranh mờ tỏ
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say
Còn một nỗi này thêm chán ngắt
Đi đâu dở những cối cùng chầy…

Nguyễn Khuyến đã từng trải qua cảnh nghèo. Nhưng ông chấp nhận cảnh nghèo một cách rất tự nhiên và thi vị hoá cảnh nghèo cũng rất ư là lịch sự. Xin cùng đọc “Đừng nghĩ tết tôi nghèo”:

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hang biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành tết khác
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.

Sang đến thể song thất lục bát, bài thơ được biết đến nhiều nhất vẫn là bài “Khóc bạn Dương Khuê”. Người đọc thấy ở đây mối thân tình bằng hữu cùng học hành đỗ đạt, cùng ra làm quan, cùng chung chén rượu tiếng đàn sênh phách, cùng văn chương chữ nghĩa thênh thang, cùng tuổi già sức mỏi thân mòn. Nhưng người đi trước đã để lại cho kẻ đi sau biết bao nhiêu tâm sự ngậm ngùi!

Tiếng khóc của người khóc bạn chỉ còn là những giọt như sương…

Nguyễn Khuyến viết bài này nguyên bản chữ Hán rồi tự dịch sang chữ Nôm. Một bài khóc bạn vừa dài, vừa thê thiết lại vừa ẩn chứa biết bao nhiêu thương nhớ khôn cùng:

Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta!
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
Vẫn sớm hôm, tôi bác cùng nhau
Kính yêu từ trước đến sau
Trong khi gặp gỡ, khác đâu duyên trời
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân
Có khi bàn soạn câu văn
Biết bao đông bích, điển phần trước sau (*)
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn (**)
Phận đẩu thăng chẳng dám kêu trời (***)
Bác già, tôi cũng già rồi
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là…
Muốn đi lại, tuổi già thêm nhác
Trước ba năm, gặp bác một lần
Cầm tay, hỏi hết xa gần
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác
Tôi lại đau trước bác mấy ngày
Làm sao bác lại về ngay?
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời
Ai chẳng biết chán đời là phải
Sao vội vàng đã mải lên tiên?
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua, không phải không tiền không mua!
Câu thơ nghĩ đấn đo không viết
Viết đưa ai? Ai biết mà đưa ?
Giường kia treo những hửng hờ
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn
Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương
Tuổi già, hạt lệ như sương
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan!

(*): Vách đông để sách, vườn tây đặt bút nghiên
(**): Ý nói những năm hoạn nạn.
(***): Thời ly loạn, từ quan về ở ẩn.

Nguyễn Khuyến ví tình bạn với Dương Khuê cũng như đôi bạn Bá Nha – Chung Tử Kỳ, tri âm, tri kỷ. Khi Chung Tử Kỳ mất rồi thì Bá Nha cũng đập vỡ cây đàn…

Nguyễn Khuyến còn bài “Di chúc” khá dài, dặn dò con cháu lo đám tang cho mình.

Trong văn học sử, ít có ai cẩn thận đến như thế!

Xin cùng nghe những lời dặn dò của nhà thơ Nguyễn Khuyến như sau:

Kém hai tuổi xuân đầy chín chục
Số thầy sinh phải lúc dương cùng (1)
Đức thầy đã mỏng mòng mong
Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy
Học chẳng có rằng hay chi cả
Cưỡi đầu người kể đã ba phen (2)
Tuổi là tuổi của gia tiên
Cho nên thầy được hưởng niên lâu ngày.

Ấy thuở trước ông mày chẳng đỗ (3)
Hoá bây giờ cho bố làm nên
Ơn vua chưa chút báo đền
Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời
Sống không để tiếng đời ta than
Chết được về quê quán hương thôn
Mới hay trăm sự vuông tròn
Sống lâu đã trải,chết chon chờ gì?
Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt
Kín chân tay đầu gối thời thôi
Cỗ đừng to lắm con ơi!
Hễ ai chạy lại, con mời người ăn
Tế đừng có viết văn mà đọc
Trướng đối đừng gấm vóc làm chi
Minh tinh con cũng bỏ đi (4)
Mời quan đề chú con thì chớ nên (5)

Môn sinh cho bố tiền đặt giấy
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi
Khách quen chớ viết thiếp mời
Ai đưa lễ phúng, con thời chớ thu
Chẳng qua nợ để cho người sống
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu!
Lại mang cái tiếng to đầu
Khi nay bày biện, khi sau chê bàn
Cờ biển của vua ban ngày trước
Khi đưa thầy, con rước đầu tiên
Lại thuê một lũ phường kèn
vừa đi vừa thổi, mỗi bên dăm thằng
Việc tống táng nhung nhăng qua quit
Cúng cho thầy một ít rượu hoa
Đề vào mấy chữ trong bia
Rằng ”Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.

(1): Đến ngày tận số
(2): Ba kỳ thi đều đỗ đầu
(3): Ông cụ thân sinh cũng là khoa bảng nhưng không đậu cao
(4): Mảnh lụa,vải hay giấy đề tên tuổi, chức vụ, địa vị người chết
(5): Viết tên hiệu người chết, thưòng do người có chức tước làm.

Với thể lục bát, xin trích 4 câu ngắn của bài “Sông Lấp Nên Đồng” nghĩ về cảnh đổi thay của đất nước, của cuộc đời, cũng là gửi gấm tâm sự của tác giả:

Sông kia rầy đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Nằm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò?

Đến thể Phú Đường Luật, chúng ta thường nghe đến bài phú “Thầy đồ dậy học”.

Đây là cảnh dậy học ngày xưa ở thôn quê. Học trò nghèo mà thầy cũng nghèo. Nhưng thầy thì vẫn cứ là giấy rách giữ lề, vẫn ra thói phong lưu rất mực:

Thầy đồ, thầy đạc
Dậy học, dậy hành
Vài quyển sách nát
Dăm thằng trẻ ranh
Văn có hay đã đỗ làm quan, võng điều võng tía
Võ có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh
Ỳ hẳn thầy văn dốt, vũ rát
Cho nên thầy luẩn quẩn, loanh quanh.
Trông thầy:
Con người phong nhã
Ở chốn thị thành
Râu rậm bằng chổi
Đầu to tầy giành!
Cũng có phen đi đó, đi đây, thất điên bát đảo
Cũng nhiều lúc chơi liều, chơi lĩnh,tứ đốm tan khoanh!
Nhà lính, tính quan, ăn rặt những thịt quay, lạp xường, mặc những quần vân áo xuyến
Đất lề, quê thói, chỗ ngồi cũng án thư, bàn độc, ngoài hiên cũng cánh xếp mành mành….
Gần có một mụ
Sinh được bốn anh
Tên Uông, tên Bái
Tên Bột, tên Bành
Mẹ muốn con hay, rắp một nỗi biển, cờ, mũ, áo
Chủ rước thầy học, tính đủ tiền chè, rượu, cơm, canh
Chọn ngày lễ bái
Mở cửa tập tành
Thầy ngồi chễm chệ
Trò đứng chung quanh
Dậy câu Kiều lẩy
Dậy khúc lý Kinh
Dạy những khi xuống ngựa, lên xe, đứng ngồi phải phép
Dạy những lúc cao lâu, chiếu hát, ăn nói cho sành…

Ngoài ra, ông còn có những câu đối, văn tế, coi như đủ mục.

***

Những bài thơ trên, hầu hết bạn đọc đã học, đã nhớ cả rồi.

Chép lại cũng chỉ mong kẻ hậu sinh không quên thiên tài của tiền nhân để lại.

Nói tóm lại, trong cuộc đời của Nguyễn Khuyến, khi đỗ đạt ra làm quan ở nội các Huế, khi làm đốc Học Thanh Hoá, khi làm bố Chánh Quảng Ngãi, làm Toàn Tu ở Quốc Tử Giám, trong cương vị nào ông cũng giữ được phẩm giá, nổi tiếng là người thanh liêm, chính trực.

Thời ông lam quan thì việc nước đã rối ren, Pháp chiếm xong miền Nam, kéo quăn ra Hà Nội, lần thứ nhất khiến Nguyễn Tri Phương bị thương, nhịn ăn mà chết. Lần thứ hai (1882), Hoàng Diệu thắt cổ tự tử.

Năm sau, Nguyễn Khuyến được đề cử Quyền Tổng Đốc Sơn Tây nhưng ông đau buồn vì vận nước, không muốn cộng tác với người Pháp nên lấy cớ đau mắt, cáo quan về quê sống đời đồng ruộng, gửi gấm tâm sự vào thơ.

Xuất thân từ một gia đình thanh bần, nuôi chí lớn học hành, đỗ đạt vinh quy hiển hách, ông đã là một tấm gương sáng chói.

Có tài làm thơ Hán Nôm với tâm hồn thi sĩ mênh mang tình ý, nhà thơ đã trải rộng tấm lòng mình cùng bầu bạn, thiên nhiên, để lại cho hậu thế những vần thơ đầy ắp tình người, rung động trước thiên nhiên, nhìn cuộc đời qua một lăng kính của một thi nhân, một triết nhân, cảnh ngộ nào cũng tìm được nét vui trong niềm vui của mình và tâm hồn rộng mở…

Tam Nguyên Yên Đổ mất năm 1909, hưởng thọ 74 tuổi tại quê nhà.

Lê Văn Phúc
07-2011
Nguồn: Phan Ni Tấn chuyển bài


http://sangtao.org/2011/09/21/tam-nguyen-yen-d%E1%BB%95/
Về Đầu Trang Go down
https://yeunguyenkhuyen.forumvi.com
Sponsored content





Tam Nguyên Yên Đổ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tam Nguyên Yên Đổ   Tam Nguyên Yên Đổ Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Tam Nguyên Yên Đổ
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Các Nguyên tố Hóa học mới
» Cô Nguyễn Thị Náo
» Bom Nguyên tử
» Nguyễn Hiến Lê: Dạy Và Tự Học
» Nguyễn Công Trứ

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN KHUYẾN - TP. HCM :: GÓC CHIA SẺ ĐỦ THỨ :: DANH NHÂN, TÁC GIẢ YÊU THÍCH, NHÂN VẬT YÊU THÍCH-
Chuyển đến